Tranh chấp thừa kế là gì?
Tranh chấp thừa kế là tranh chấp thường xảy ra khi có mâu thuẫn trong việc phân chia phân chia di sản thừa kế hay các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những người thừa kế. Khi một người chết đi thì câu chuyện về ai nhận được thừa kế là vấn đề được quan tâm hàng đầu.
1. Tranh chấp thừa kế là gì?
Mâu thuẫn thường xảy ra trong quá trình phân chia tài sản thừa kế (ảnh minh họa)
Tranh chấp thừa kế có thể xảy ra ở tranh chấp về tài sản, về nghĩa vụ hay tranh chấp về những người được thừa kế. Đây là một tranh chấp khá phổ biến trên thực tế với thủ tục xử lý khá phức tạp vì liên quan đến mối quan hệ trong gia đình, những người thân có cùng máu mủ. Pháp luật không có định nghĩa về tranh chấp thừa kế là tranh chấp như thế nào, nhưng có thể hiểu việc xảy ra tranh chấp về thừa kế có thể đến từ một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Phân chia di sản không đồng đều: phần nội dung về phân chia tài sản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến những người thừa kế. Tùy vào người lập di chúc từ phần di sản được phân chia giữa những người thừa kế có thể ít hơn hoặc nhiều hơn người còn lại, điều này dẫn đến tranh chấp về phân chia di sản.
- Tranh chấp về nghĩa vụ: bên cạnh quyền lợi được hưởng từ phần di sản thì sẽ đi kèm theo nghĩa vụ, trong đó có nghĩa vụ thanh toán. Sau khi được phân chia, từng phần di sản sẽ có từng phần nghĩa vụ thanh toán nhất định (nếu có), khi này sẽ phát sinh tranh chấp rằng phần thực hiện nghĩa vụ của ai nhiều ai, ai ít hơn.
- Tranh chấp phát sinh khi không có di chúc: khi không có di chúc thì phải phân chia di sản theo pháp luật, theo hàng thừa kế, tuy nhiên cũng phải được dựa nhiều yếu tố khác. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp về hàng thừa kế.
- Tranh chấp về phần di sản chưa được định đoạt: đối với phần di sản của người để lại, người lập di chúc hoàn toàn có quyền quyết định, nhưng trong một số trường hợp thì phần di sản trên thực tế chưa được phân chia hết trong di chúc dẫn đến phần tài sản đó chưa có người thừa kế. Khi phần đó được xác định theo pháp luật thì tranh chấp có thể sẽ xảy ra giữa những người thừa kế trong việc thừa hưởng phần di sản này.
Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp thừa kế trên thực tế. Do đó, pháp luật cũng có những quy định chặt chẽ khi xử lý các tranh chấp liên quan đến thừa kế.
2. Giải quyết tranh chấp thừa kế
Tranh chấp thừa kế mặc dù là tranh chấp thường xuyên xảy ra nhưng thủ tục giải quyết vấn đề này lại vô cùng phức tạp. Nó không những ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của những người thừa kế mà còn là mối quan hệ trong một gia đình vì đa số những người thừa kế đều sẽ là những người thân ruột thịt của nhau.
Khi một tranh chấp xảy ra, pháp luật luôn ưu tiên việc thỏa thuận, hòa giải giữa các bên có liên quan nhằm hạn chế được những rắc rối về mặt thủ tục hay phải nhờ đến sự trợ giúp của cơ quan có thẩm quyền. Lợi ích của việc hòa giải tại chỗ được thể hiện ở rất nhiều điểm, nhưng trên thực tế thì quá trình này có rất hiếm trường hợp hòa giải thành vì nhìn chung khi đã ảnh hưởng đến quyền lợi thì không phải ai cũng có thể nhận phần thiệt thòi về mình.
Một khi biện pháp hòa giải không thể được thực hiện nữa, không có bên đã mất lòng tin, không tìm được tiếng nói chung hay xảy ra những xung đột không đáng có thì việc khởi kiện tranh chấp thành một vụ án dân sự sẽ là biện pháp giải quyết được tận gốc vấn đề khi có sự can thiệp trực tiếp và xét xử của pháp luật. Theo Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì tranh chấp về thừa kế tài sản sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Khi này, người thừa kế có nhu cầu có thể làm đơn khởi kiện, kèm theo những chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình để khởi kiện một cá nhân nào đó mà mình cho rằng họ đang có những ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của mình. Đây được xem là biện pháp cuối cùng vì khi đã có phán quyết của Tòa án thì các bên có liên quan phải thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực.
Ảnh minh họa.
3. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
Bên cạnh những tranh chấp thừa kế có thể phát sinh từ di chúc của người lập di chúc để lại thì đôi với trường hợp thừa kế theo pháp luật cũng phát sinh những tranh chấp về hàng thừa kế, về phần di sản được hưởng khi phân chia theo pháp luật hay phần tài sản chưa được định đoạt. Có thể thấy rằng, trong mọi quan hệ về thừa kế đều có thể phát sinh tranh chấp bởi chính những người thừa kế khi họ cho rằng quyền lợi của mình không được đảm bảo. Theo Điều 650 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật như sau:
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
4. Thời hiệu thừa kế
Theo Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015 về hiệu lực của thừa kế:
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
- Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Có thể nói rằng, các tranh chấp thừa kế nên được giải quyết trong thời hiệu nêu trên để đảm bảo được tính chất pháp lý và quyền lợi của những người thừa kế có liên quan được bảo vệ một cách tối đa.
Trên đây là tư vấn của Luật sư, trong trường hợp có vướng mắc thì bạn đọc vui lòng liên hệ đến hotline: 0975.45.5050 (Ls Du) để được giải đáp trực tiếp.
Thân ái!