Đánh nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích cho người khác là các hành vi vi phạm pháp luật quá đỗi phổ biến trong đời sống. Vậy hành này bị xử phạt thế nào theo quy định mới nhất?
1. Đánh nhau gây mất trật tự công cộng bị phạt bao nhiêu tiền?
Đánh nhau là một trong những hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong đó, khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau
Như vậy, nếu thực hiện hành vi đánh nhau, những người tham gia có thể bị phạt hành chính từ 500.000 – 01 triệu đồng.
2. Đánh nhau gây thương tích cho người khác xử lý thế nào?
Khác với hành vi đánh nhau gây mất trật tự công cộng nêu trên, ngoài việc bị phạt hành chính, hành vi đánh nhau gây thương tích cho người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mức phạt hành chính
Nếu đánh nhau gây thương tích cho người khác mà tỉ lệ thương tích dưới 11% và không thuộc một trong các trường hợp đặc biệt thì người vi phạm sẽ bị bị phạt hành chính theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Theo đó, mức phạt được quy định với hành vi cố ý gây thương tích cho người khác là phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phạm tội cố ý gây tương tích:
– Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
– Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
– Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
– Có tổ chức;
– Có tính chất côn đồ…
Mức phạt cơ bản của Tội cố ý gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đối với các trường hợp tăng nặng khác, tùy vào tính chất, mức độ thương tích gây ra, người phạm tội có thể bị phạt tù có thời hạn đến 12 năm hoặc thậm chí là tù chung thân, cụ thể:
Phạt tù từ 02 – 06 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Tái phạm nguy hiểm…
Phạt tù từ 05 – 10 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
– Gây thương tích (trừ trường hợp làm biến dạn vùng mặt) hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%…
Phạt tù từ 07 – 14 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
– Làm chết người;
– Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên…
Nặng nhất, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân khi phạm tội thuộc một trong hai trường hợp:
– Làm chết 02 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp đặc biệt quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 134.
3. Dưới 18 tuổi đánh nhau gây thương tích có bị xử lý hình sự?
Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự như sau:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Theo quy định trên, nếu có hành vi cố ý gây thương tích thuộc trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134, người dưới 18 tuổi sẽ bị xử lý hình sự như sau:
– Từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm;
– Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 – 15 năm tù.
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 – 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.Như vậy, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi phạm tội cố ý gây thương tích thuộc các trường hợp tăng nặng tại khoản 3, 4, 5 Điều 134.
Trên đây là những quy định chung về vấn đề: Đánh nhau bị xử phạt thế nào theo quy định mới nhất? Với những trường hợp cụ thể, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline: 0975.45.5050 (LS. Du) hoặc 0932.32.47.48 (LS.Linh) để được tư vấn miễn phí.