Việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hay giữ người trái phép… đều được coi vi phạm pháp luật. Vậy bắt giữ, đánh người để đòi nợ bị xử lý thế nào?
1. Bắt giữ, đánh người để đòi nợ là vi phạm pháp luật
Vay nợ là vấn đề dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể, tại Điều 463 quy định:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo quy định trên, trả nợ khi đến hạn là nghĩa vụ của người đi vay. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc, bên cho vay có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hay bắt giữ trái pháp luật để ép buộc người vay trả nợ.
Trong hầu hết các trường hợp, việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần hay giữ người trái phép… đều được coi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, nếu có các hành vi trái pháp luật như bắt giữ, đánh người… để đòi nợ, người thực hiện có thể bị phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Bắt giữ, đánh người để đòi nợ bị phạt thế nào? Phạm tội gì?
Những hành vi đòi nợ trái pháp luật như đánh đập, dọa nạt hay bắt giữ trái pháp luật… tùy vào từng mức độ, tính chất cụ thể của vụ việc sẽ bị xử lý như sau:
Về mức phạt hành chính
– Phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng đối với hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác (theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP);
– Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản (khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nếu xét thấy các hành vi đòi nợ trái pháp luật trên có mức độ nguy hiểm cao, gây hậu quả đáng kể thì người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội danh tương ứng của Bộ luật Hình sự:
– Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật quy định tại Điều 157. Tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù có thời hạn đến 12 năm.
– Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170. Tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 01 – 20 năm.
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134. Tùy vào mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù có thời hạn đến 20 năm hoặc nặng nhất là tù chung thân.
3. Đòi nợ thế nào cho đúng luật?
Để không vi phạm pháp luật, chủ nợ không được trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp thuê người thực hiện các hành vi đòi nợ cực đoan, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe và tính mạng của người vay cũng như người thân của họ.
Nếu hết thời hạn cho vay mà bên vay vẫn chưa trả nợ, chủ nợ có thể khởi kiện tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Cụ thể, để thực hiện được việc khởi kiện đòi nợ, người cho vay phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Theo đó, hồ sơ cần nộp gồm:
– Đơn khởi kiện.
– Bản sao Hợp đồng vay tiền, Giấy vay tiền… (nếu có).
– Bản sao chứng thực Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…
– Các tài liệu, chứng cứ khác.
Ngoài ra, trong trường hợp người vay dùng những thủ đoạn gian dối cố tình chiếm đoạt số tiền vay thì chủ nợ cũng có thể gửi đơn tố giác gửi đến cơ quan công an điều tra để được xử lý
Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định, việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Theo đó, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu đòi nợ của bên cho vay trong quá trình xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản của người vay.
Trên đây là những quy định chung về vấn đề: Đòi nợ thế nào cho đúng luật và hậu quả pháp lý của việc đòi nợ trái pháp luật?. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, tránh những hậu quả pháp lý bất lợi khi đòi nợ trái luật, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline: 0975.45.5050 (LS. Du) hoặc 0932.32.47.48 (LS. Linh) để được tư vấn miễn phí.
Thân ái!