Hành vi quay lén người khác có thể bị xử lý như thế nào?

Quay lén người khác là gì? Quay lén người khác có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Quay lén người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Quay lén người khác bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào?

I. Quay lén người khác là gì? Quay lén người khác có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Trong thời gian gần đây, hành vi quay lén, chụp lén người khác đang trở thành một vấn đề nổi cộm được xôn xao bàn tán, gây nhức nhối trong dư luận bởi mức độ nghiêm trọng của hậu quả mà hành vi này có thể gây ra cho cá nhân bị quay lén.

Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể định nghĩa về hành vi quay lén người khác. Tuy nhiên, quay lén người khác có thể hiểu là hành vi sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử có chức năng ghi hình (thường là điện thoại, camera, máy quay, các thiết bị ngụy trang có chức năng ghi hình…) nhằm lưu lại hình ảnh cá nhân của người khác mà chưa được sự đồng ý của người đó.

Hành vi quay lén, chụp lén cá nhân có thể xuất phát từ sự tò mò, tuy nhiên, đã không ít những trường hợp nguyên do thực hiện hành vi này đến từ những ham muốn của người thực hiện quay lén nhằm thỏa mãn bản thân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống riêng tư của cá nhân bị quay lén, làm xâm phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của nạn nhân. Thế nhưng, khi bị phát hiện đã sử dụng các thiết bị để quay lén thì nhiều người lại một mực phủ nhận rằng bản thân không thực hiện hành vi này. Tồi tệ hơn, có những cá nhân thừa nhận đã thực hiện hành vi quay lén nhưng lại cho rằng bản thân không làm gì sai, bởi nơi đặt camera chính là nhà của họ, thuộc quyền sở hữu của họ, do đó họ có quyền được làm bất kỳ điều gì mình muốn.

sddefault

Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, đồng thời người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc người có hành vi quay lén người khác đồng nghĩa với việc chưa có sự đồng ý của người bị quay nên do đó đây là một hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền của người khác.

II. Quay lén người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (có cụm từ này bị thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) như sau:

Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo đó, người nào có hành vi quay lén người khác và sử dụng hình ảnh thông tin quay lén người khác làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị quay lén có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác với hình phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Bên cạnh đó, người phạm tội trong các trường hợp thuộc các tình tiết định khung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tương ứng và hình phạt cao nhất lên đến 05 năm tù giam.

Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối người quay lén người khác và sử dụng hình ảnh đó lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc các trường hợp sau:

– Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);

– Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;

– Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;

– Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;

– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Lắp camera quay lén người khác: Bị phạt thế nào? Làm sao phát hiện?

Quay lén người khác là gì? Quay lén người khác có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay bị xử phạt vi phạm hành chính? (Hình từ Internet)

Quay lén người khác bị xử lý vi phạm hành chính như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

đ) Không thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá hủy khi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng;

e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

Và theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP như sau:

Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, người quay lén người khác thuộc hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trên đây là tư vấn của Luật sư, trong trường hợp có vướng mắc thì bạn đọc vui lòng liên hệ đến hotline: 0975.45.5050 (Ls Du) để được giải đáp trực tiếp.

Thân ái!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0975 45 5050
0975455050
0932 32 47 48