Vô ý gây thương tích cho người khác bị xử lý thế nào (?)

Dù không cố tình gây thương tích nhưng người vô ý làm người khác bị thương vẫn có thể bị phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

1. Thế nào là vô ý gây thương tích?

Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được hiểu là hành vi vi phạm các quy tắc thông thường trong cuộc sống về đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người khác do quá tự tin hoặc vì cẩu thả, đã làm cho người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe.

Hành vi vô ý gây thương tích thường có một trong các đặc điểm:

– Người thực hiện hành vi vi phạm tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý do quá tự tin);

– Hoặc người thực hiện vi phạm không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).

Nếu có các đặc điểm trên, dù không cố tình gây thương tích nhưng người vô ý làm người khác bị thương vẫn có thể bị phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự.

vo y gay thuong tich nhung van bi phat
                 Vô ý gây thương tích nhưng vẫn bị phạt? (Ảnh minh họa)

2. Vô ý gây thương tích bị phạt thế nào?

2.1. Mức phạt hành chính

Theo Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được xếp vào một trong các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng.Theo đó, khoản 1 Điều 7 Nghị định 144 quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

d) Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

[…]

Như vậy, nếu vô ý gây thương tích nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người thực hiện sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, Điều 7 Nghị định 144 cũng quy định, người thực hiện vi phạm buộc phải chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bị hại để khắc phục hậu quả.

2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 138, 139 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, hành vi vô ý gây thương tích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây tổn hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên.

Cụ thể, Điều 138 quy định về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 01 năm đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Căn cứ quy định trên, nếu bị xử lý về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 138, mức phạt nặng nhất có thể áp dụng với người phạm tội là phạt tù đến 03 năm.

Trường hợp vô ý gây thương tích do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, người thực hiện vi phạm sẽ không áp dụng mức phạt tại Điều 138 mà áp dụng quy định tại Điều 139 như sau:

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Theo Điều 139 quy định về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 05 năm, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 05 năm.

Trên đây là giải đáp về vô ý gây thương tích là gì và trường hợp nào vô ý gây thương tích nhưng vẫn bị phạt theo quy định của pháp luật. Trường hợp có vấn đề chưa rõ, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline: 0975.45.5050 (Ls. Du) hoặc 0932.32.47.48 (LS. Linh) để được tư vấn chi tiết.

Thân ái!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0975 45 5050
0975455050
0932 32 47 48