Ngoại tình là một trong những nguyên nhân chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ ly hôn ở nước ta. Đặc biệt, không ít trường hợp, không phải nạn nhân mà chính người ngoại tình muốn ly hôn thì liệu Tòa án có giải quyết không?
Tòa án có giải quyết yêu cầu ly hôn của người ngoại tình không?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, ly hôn là chấm dứt quan hệ vợ, chồng theo quyết định hoặc bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hiện có hai hình thức ly hôn là đơn phương và thuận tình. Trong đó, ly hôn đơn phương là hình thức mà một trong hai bên vợ, chồng có yêu cầu Tòa án ly hôn.
Căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết ly hôn trong trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 gồm:
– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng;
– Hành vi của người vợ hoặc người chồng ở trên khiến cuộc sống hôn nhân vợ chồng trầm trọng, không thể kéo dài việc chung sống với nhau, đồng nghĩa mục đích hôn nhân không đạt được. Những biểu hiện này được giải thích cụ thể tại Nghị quyết 02/2000 của Hội đồng Thẩm phán:
+ Tình trạng vợ, chồng trầm trọng: Vợ, chồng không quan tâm đến nhau, bỏ mặc người còn lại; có hành vi ngược đãi, hành hạ, đánh đập; ngoại tình…
+ Đời sống chung không thể kéo dài: Đã được nhắc nhở, hòa giải nhưng vẫn tiếp tục ngoại tình, bỏ mặc nhau, xúc phạm nhau…
+ Mục đích hôn nhân không đạt được: Vợ chồng không còn tình nghĩa, không tôn trọng danh dự, nhân phẩm, không giúp đỡ nhau…
Theo đó, việc người chồng có hành vi ngoại tình được xem là vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng còn bởi theo khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình, tình nghĩa vợ, chồng gồm:
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Từ các quy định trên có thể thấy, chỉ khi chứng minh được người vợ, người chồng của mình là nguyên nhân dẫn đến cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trậm trọng, không thể kéo dài như trên thì Tòa án sẽ giải quyết.
Trong khi đó, việc ngoại tình là lỗi của người đó. Bởi vậy, nếu người này ngoại tình và yêu cầu Tòa án ly hôn thì nhiều khả năng sẽ không chứng minh được các vấn đề nêu trên. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án thường sẽ không giải quyết.
Tuy nhiên, đáng nói rằng, vấn đề này là một trong những vấn đề rất phức tạp bởi để chứng minh lỗi của vợ hoặc chồng thường không dễ dàng.
Người ngoại tình gặp bất lợi gì khi ly hôn?
Như phân tích ở trên, ngoại tình là “lỗi” của vợ hoặc chồng – người có hành vi ngoại tình. Không chỉ vậy, luật pháp tôn trọng quan hệ hôn nhân một vợ, một chồng nên cấm trường hợp đang có vợ, đang có chồng mà chung sống như vợ, chồng hoặc kết hôn với người khác.
Nếu vi phạm thì tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà có thể gặp nhiều bất lợi như sau:
Một là: Có thể bị xử phạt hành chính.
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, nếu đang có vợ mà chung sống/kết hôn với người khác thì có thể bị phạt tiền từ 03-05 triệu đồng.
Hai là: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 182 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, người nào đang có vợ, có chồng mà sống chung với người khác như vợ chồng thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 03 tháng – 01 năm hoặc nặng hơn có thể bị phạt tù từ 06 tháng – 03 năm.
Ba là: Có thể “thiệt” khi chia tài sản chung vợ, chồng nếu ly hôn
Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi ly hôn, việc chia tài sản có căn cứ vào “lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng”. Do đó, người ngoại tình có thể sẽ không được chia đôi tài sản chung vợ chồng mà có thể sẽ phải nhận phần tài sản ít hơn.
Trên đây là giải đáp về vấn đề “Người ngoại tình yêu cầu ly hôn, Tòa có giải quyết không?” Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline: 0975.45.5050 (LS. Du) hoặc 0932.32.47.48 (LS. Linh) để được tư vấn chi tiết.
Thân ái!