Người mẹ có được giành lại quyền nuôi con, khi bố kết hôn với người khác (?)

Mặc dù ban đầu không giành được quyền nuôi con nhưng nhiều bà mẹ vẫn luôn mong muốn được nuôi con. Vậy nếu trường hợp bố đi lấy vợ mới sau khi ly hôn thì mẹ có giành lại được quyền nuôi con không?

Bố tái giá, mẹ có giành được quyền nuôi con không?

Câu hỏi:

“Tôi với chồng cũ ly hôn được một năm nay. Khi ly hôn, do tôi chỉ ở nhà, không có thu nhập ổn định nên con được giao cho chồng cũ của tôi nuôi dưỡng. Nhưng con chỉ do ông bà nội nuôi dưỡng, chồng tôi bận đi làm và đi chơi với người yêu mới của anh ta. Thậm chí, anh ta còn thường xuyên cản trở không cho tôi được gặp con của mình. Mới đây, tôi mới được biết, anh ta sắp lấy vợ mới, tôi sợ khi có mẹ kế thì mẹ kế sẽ đối xử không tốt với con tôi.

Giờ tôi muốn giành lại quyền nuôi con được không? Sau khi ly hôn, tôi đã xin việc làm mới. Hiện công việc của tôi có thu nhập cao, ổn định mà tôi còn được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật.”

Trả lời:

Theo khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc giành quyền nuôi con sau khi ly hôn do hai vợ, chồng thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định. Căn cứ để Tòa án xem xét quyết định giao con cho ai nuôi dưỡng là:

– Quyền lợi về mọi mặt của con.

– Con từ đủ 07 tuổi trở lên thì xem xét nguyện vọng của con.

– Con dưới 36 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện.

Đồng thời, theo khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, sau khi đã được Tòa án giao quyền nuôi con cho một bên, bên còn lại vẫn có quyền yêu cầu được thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có các căn cứ sau đây:

– Cha, mẹ có thỏa thuận vì lợi ích của con.

– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện.

– Xem xét nguyện vọng của con từ 07 tuổi trở lên.

Theo tình huống bạn trình bày, trong thời gian con mới được giao cho bố cháu thì chồng cũ của bạn cũng không thường xuyên chăm sóc con mà giao cho ông, bà nội nuôi dưỡng, chăm sóc. Ngoài ra, chồng cũ của bạn còn sắp lấy vợ mới.

Và hiện tại, về phía mình, bạn đã có đủ điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để nuôi dưỡng, chăm sóc con tốt nhất.

Căn cứ trường hợp cụ thể của bạn cũng như quy định của pháp luật, có thể thấy, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có đủ các lý do sau đây:

Một là: Bạn phải chứng minh chồng bạn không còn đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thông qua:

– Chồng bạn không trực tiếp nuôi con mà giao con cho cha mẹ nuôi.

– Bạn phải có bằng chứng chồng cũ của bạn bỏ bê, không quan tâm đến con cái khi có người yêu mới hoặc khi sắp cưới người khác.

Hai là: Bạn cũng cần phải có bằng chứng để chứng minh việc chồng cũ của bạn ngăn cấm không cho bạn được gặp con sau khi ly hôn. Bởi theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình, sau khi ly hôn, người được giao nuôi con không được cản trở người còn lại được thăm non con.

Ba là: Bạn có thể chứng minh thêm bản thân hiện đã có đủ điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để tạo môi trường tốt nhất cho sự phát triển của con:

– Bạn có thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống hằng ngày ăn, uống, mặc… của con.

– Bạn có thời gian ở bên con, chăm sóc, yêu thương, quan tâm đến con vì công việc của bạn được nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật cũng như những buổi tối của các ngày trong tuần khác, bạn cũng có đủ thời gian bên con…

Mẹ có được hạn chế quyền thăm con khi bố lấy vợ mới không?

Câu hỏi:

“Chồng cũ của tôi bài bạc, lô đề lại còn hay đánh đập vợ con nên không chịu nổi, tôi đã làm đơn ly hôn và được Tòa án giải quyết vào tháng trước. Ngay tháng sau, anh ta đã lấy vợ mới thì tôi có được hạn chế quyền thăm con của anh ta không ạ? Tôi cảm ơn”.

Trả lời:

Việc hạn chế quyền thăm con được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, căn cứ để được hạn chế quyền thăm con là người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Hiện nay, pháp luật không có quy định cụ thể về trường hợp bị xem là lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến giáo dục, nuôi dưỡng con. Nhưng có thể kể đến một vài trường hợp như sau:

– Lợi dụng việc đến thăm con để cổ xúy cho con đánh bài bạc, lô đề hoặc uống rượu, bia…

– Lợi dụng việc thăm con để rủ rê con đi ăn trộm, đánh nhau…

Do đó, việc chồng cũ của bạn lấy vợ mới không phải trường hợp dùng để hạn chế quyền thăm con của anh ấy. Ngược lại, do chồng cũ của bạn hay lô đề, bài bạc và bạn có đầy đủ bằng chứng cho việc anh ta lợi dụng việc thăm con để lôi kéo con bạn vào tệ nạn xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục con… thì bạn có quyền hạn chế.

Trên đây là giải đáp về việc mẹ giành quyền nuôi con khi bố đi lấy vợ mới. Nhìn chung, việc giành quyền nuôi con, với mỗi trường hợp sẽ có cách giải quyết khác nhau. Do đó, để trình bày tình huống của mình, bạn đọc vui lòng liên hệ qua hotline: 0975.45.5050 (LS. Du) hoặc 0932.32.47.48 (LS. Linh) để được tư vấn miễn phí.

Thân ái!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0975 45 5050
0975455050
0932 32 47 48