VẤN ĐỀ VẮNG MẶT CỦA BỊ CÁO TẠI PHIÊN TÒA HÌNH SỰ?

Pháp luật tố tụng hình sự quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của bị cáo, trong đó việc xét xử vắng mặt bị cáo trong phiên tòa vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của bị cáo. Vậy khi nào thì được xét xử vắng mặt và quy định pháp luật về xét xử vắng mặt của bị cáo như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp về vấn đề này.

Có mặt trong phiên tòa xét xử hình sự là một trong các nghĩa vụ của bị cáo, được quy định theo điểm a khoản 3 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau: “Bị cáo có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã.”. Tuy nhiên sẽ có những trường hợp cụ thể do pháp luật quy định thì bị cáo có thể xét xử vắng mặt.

Chùm ảnh: Bị cáo Lê Tùng Vân vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm

Đối với việc xét xử vắng mặt của bị cáo theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) quy định tại khoản 2 Điều 290 BLTTHS: “Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa; Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận; Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử”. Từ quy định trên có thể thấy, khi bị cáo thuộc một trong bốn trường hợp luật quy định thì mới có thể xét xử vắng mặt trong phiên tòa hình sự. Đồng thời sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa được quy định tại khoản 1 Điều 290 BLTTHS năm 2015, cụ thể như sau:“Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vu án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh. Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo”. Như vậy, sự có mặt tại phiên tòa là quyền và nghĩa vụ của bị cáo vì họ là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có quyền bào chữa trước tòa. Sự có mặt của bị cáo tại phiên toà là bắt buộc, nhằm thực hiện nguyên tắc xét xử trực tiếp; bảo đảm cho Tòa án xác định sự thật khách quan và tạo điều kiện thuận lợi cho bị cáo thực hiện quyền bào chữa tại phiên tòa theo quy định của pháp luật.

Việc xin xét xử vắng mặt là quyền của bị cáo nhưng Tòa án có cho phép vắng mặt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá, xem xét của của Hội đồng xét xử về tính hợp pháp, do vậy khi xin xét xử vắng mặt bị cáo vẫn có thể bị Tòa triệu tập trong phiên tòa.

Một ví dụ về vấn đề xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa hình sự trong thực tiễn đang được dư luận rất quan tâm chính là vụ án “ Chuyến bay giải cứu”. Theo đó trước khi phiên tòa phúc thẩm được mở ra, bị cáo Hoàng Văn Hưng đã có đơn gửi Tòa án xin nhận tội, đồng thời tác động nhờ gia đình, bạn bè nộp thay 18,8 tỷ đồng nhằm khắc phục hậu quả, cùng với đó bị cáo có đơn xin được xét xử vắng mặt. Đây là diễn biến bất ngờ bởi sau phiên tòa sơ thẩm bị cáo Hoàng Văn Hưng đã có đơn kháng cáo kêu oan. Chưa bàn đến việc HĐXX có chấp nhận đồng ý cho bị cáo Hưng xét xử văng mặt hay không nhưng với tình tiết vụ án, nếu bị cáo có mặt tại phiên tòa phúc thẩm thì sẽ thuận lợi hơn trong việc làm rõ lý do thay đổi nội dung kháng cáo để xác định lại nhận thức, thái độ của bị cáo đối với hành vi của mình. Tuy nhiên bị cáo Hưng lại xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm, việc đó sẽ không thấy được thái độ ăn năn nhận lỗi của bị cáo, từ đó các tình tiết liên quan đến bị cáo cũng sẽ bị trở ngại. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 25/12/2023 hôm nay, bị cáo Hoàng Văn Hưng vẫn bị dẫn giải tới phiên tòa. Theo thông tin nhận được, dù bị cáo xin xét xử vắng mặt nhưng tòa án vẫn triệu tập bị cáo tham gia phiên tòa để làm rõ hành vi phạm tội cũng như thái độ, nhận thức của Hưng tại giai đoạn xét xử phúc thẩm. Có thể thấy bị cáo Hưng không được Hội đồng xét xử không cho xử án vắng mặt tại phiên tòa hình sự ở giai đoạn phúc thẩm ngày hôm nay là hoàn thoàn hợp lý, bởi bị cáo không thuộc một trong các trường hợp được xét xử vắng mặt theo quy định pháp luật tố tụng hình sự như đã phân tích ở trên, không ốm đau, bệnh tật,… không thuộc các trường hợp bất khả kháng để được xét xử vắng mặt. Việc xin xét xử vắng mặt là quyền của bị cáo, còn tòa án có cho phép vắng mặt hay không sẽ phụ thuộc vào đánh giá của HĐXX về tầm quan trọng của bị cáo tại phiên tòa. Ở vụ án trên, dựa vào các tài liệu chứng cứ đã có và vai trò của bị cáo Hoàng Văn Hưng trong vụ án việc bị cáo phải có mặt tại phiên tòa là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật, đảm bảo việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

 

Xét xử phúc thẩm đối với 21 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”

Hơn hết, cần phải xét xử công khai đối với các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu nói chung và đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng nói riêng để phiên tòa được xét xử một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, từ đó góp phần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, cảnh báo phòng ngừa, chấn an dư luận, bởi đây là vụ án đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Bên cạnh đó, nhiều vụ án hình sự trong thực tiễn, có những trường hợp bị cáo vắng mặt lần đầu không có lý do chính đáng, không có giải trình cụ thể hoặc bị cáo trốn tránh thì Tòa sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa, tạm đình chỉ vụ án, không tiếp tục xét xử, bởi đối với pháp luật tố tụng hình sự luôn quy định rất chặt chẽ, phải được xét xử công khai, bào chữa, đối chất, xử đúng người, đúng tội. Với những vụ án mà bị cáo bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả trong thời gian quy định, thì Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo tại phiên tòa cùng với đó việc các bị cáo vắng mặt sẽ không được đảm bảo các quyền của bị cáo được quy định tại Điều 61, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa, được trình bày ý kiến, xuất trình chứng cứ tài liệu gỡ tội cho bản thân… khi Tòa án xét xử. Đồng thời khi Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt cần bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của quy định pháp luật mới được xét xử, trong quá trình thực thi, vận dụng pháp luật không được trái với chủ trương chung, tránh sai sót và để lại những hậu quả không đáng có.

Trên đây là tư vấn của Luật sư, trong trường hợp có vướng mắc thì bạn đọc vui lòng liên hệ đến hotline: 0975.45.5050 (Ls Du) để được giải đáp trực tiếp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0975 45 5050
0975455050
0932 32 47 48